Biên niên của một giấc mơ

Đà Lạt không chỉ là một không gian, một thành phố, một địa giới… Từ khởi thủy hình thành, Đà Lạt đã là một giấc mơ.

Miền sương khói – giai phẩm về Đà Lạt là chắt lọc trời và đất, khói và cây, người và mơ… những điều đã trình hiện ra một Đà Lạt như một thành phố, như một đô thị riêng biệt, độc sáng. Sách chia ba phần: truyện ngắn, tản văn và biên khảo.

Tất cả các phần đều tập trung cho Đà Lạt – ở phía nhiều sương khói, huyền ảnh, mơ mộng và yên ấm nhất.

Sức hút của Đà Lạt khiến các tác giả trong sách trải rộng độ tuổi từ những người đã khuất, những người xấp xỉ 80 đến các cây bút chỉ mới đôi mươi; từ họa sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu đến nhạc sĩ và ca sĩ; những trang viết có từ năm 1893 khi Đà Lạt mới được “nhận ra”, qua thời điểm xây dựng, khi chiến cuộc tăng và bây giờ, trong hơi thở của người trẻ.

Một biên niên nho nhỏ, một biên niên được phủ đầy lớp khói sương của vùng đất, của tâm cảm, của hoài niệm, của cả tiếc nuối và dở dang.

Đà Lạt đẹp có khi chỉ là do một cây mimosa vàng nở ở đầu ngõ, Đà Lạt nhớ có khi chỉ là một cuộc cà phê trong một quán vắng chủ, Đà Lạt yêu có khi chỉ là một cô gái không rõ tên theo ta đến cuối dốc…

(Đọc Miền sương khói. Giai phẩm về Đà Lạt, Nhiều tác giả. Phanbook & NXB Văn hóa Văn nghệ, 2018)