Cao nguyên lâm viên qua hồi ức của Paul Doumer

Trong cuốn Xứ Đông Dương (L’Indo – Chine française), Paul Doumer – quan Toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1897-1902 –  có viết những trang hồi ức khá đặc biệt về cao nguyên Lâm Viên thuở ban sơ và ý định xây dựng Đà Lạt là một thành phố, trạm nghỉ dưỡng, đánh dấu cho sự trỗi dậy của Đông Dương.

Chuyện Đà Lạt xin trích dẫn những đoạn liên quan đến cao nguyên Lâm Viên, Đà Lạt trong cuốn hồi ký nói trên. Sách do Lưu Đình Tuân, Hiệu Constant, Lê Đình Chi, Hoàng Long và Vũ Thúy dịch, Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính, Alphabooks & NXB Thế giới ấn hành năm 2016.

1899: Chuyến viễn hành cao nguyên Lâm Viên

“Một ngày, tôi định đi thăm một cao nguyên trong dãy Trường Sơn thuộc tỉnh Nha Trang, đó là cao nguyên Lâm Viên, nơi tôi định xây dựng một trạm y tế, ở độ cao 1.500 m. Tôi đi cùng với viên Công sứ, bác sĩ Yersin và đại úy pháo binh Langlois.

Tất cả chúng tôi đều cưỡi ngựa, trừ viên Công sứ ngồi kiệu. Đó là một vùng đồi núi với đường lên gồ ghề, người ta phải leo qua những dãy núi chắn ngang, rồi lại xuống, rồi leo lên để cuối cùng đến được gờ cao nguyên, ở độ cao 1.600 m.

Phần lớn thời gian hành trình, chúng tôi phải đi bộ và đôi khi phải giúp ngựa khỏi bị trượt trên những triền đá dốc cao. Ngài Công sứ mặc dù có nhiều phu khiêng kiệu dũng cảm nhưng vẫn bị tụt lại phía sau.

Bóng tối bất ngờ buông xuống. Chúng tôi cưỡi ngựa, bác sĩ Yersin, đại úy Langlois và tôi lúc này không còn quan tâm đến gì trừ hổ. Chúng tôi không rời nhau, vì trong bóng tối, và với hiểu biết hạn chế của chúng tôi về đường đất, chúng tôi hoàn toàn có thể bị lạc.

Đi bộ khoảng cách ba, bốn cây số đằng sau nhóm chúng tôi là ngài Công sứ, ông ta vẫn không quan tâm dù xung quanh là những phu khiêng kiệu và toán lính vệ binh. Ông cảm thấy lũ hổ đang lượn quanh, và tự nhủ rằng chính mình, vị Công sứ tỉnh Nha Trang, đang bị đe dọa nhiều nhất.

Chúng tôi nghe thấy từ xa, trong sự yên tĩnh của đêm, tiếng nổ của những loạt súng được bắn để xua đuổi lũ thú dữ cách xa ngài Công sứ… Không có hộ tống và cả những loạt súng, chúng tôi tới nơi vào khoảng 10 giờ tối, phấn khởi và đói ngấu, còn ngài Công sứ, được bảo vệ quá kỹ, phải một giờ sau mới tới nơi; ông ta còn chưa hoàn hồn, kiệt sức và không thể cùng quay về với chúng tôi vào ngày hôm sau”.

Ông Paul Doumer – Quan Toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1897-1902.

Thiết lập trạm nghỉ dưỡng

“Để thực hiện thành công công cuộc thuộc địa hóa tại một quốc gia nhiệt đới, điều kiện cần thiết đầu tiên là làm sao cho người Âu sống được tại đó, những người lính, viên chức và người dân định cư, những công cụ của sức mạnh khai hóa văn minh. Nếu những người này không thể tồn tại lâu được ở thuộc địa để hoạt động một cách liên tục, mà bị bệnh tật hay cái chết hạ gục, thì những gì họ đảm nhiệm và thực hiện sẽ trở nên bấp bênh và thường không hiệu quả. Với chính quyền, việc bắt buộc phải liên tục thay mới nhân sự không chỉ làm phát sinh các khoản chi phí đáng kể và không sinh lợi, mà còn là sự bất lực trong việc xây dựng một tinh thần liên tục, một truyền tống – những nhân tố mà nếu thiếu sẽ không thể có hoạt động quản lý tốt hay những kết quả hoặc thành tựu; với lĩnh vực tư nhân, nếu các chủ doanh nghiệp và những phụ tá người Âu chỉ có thể sống một thời gian hạn chế tại thuộc địa, đó sẽ là một nguyên nhân dẫn tới thất bại gần như chắc chắn.

Tại tất cả các thuộc địa nhiệt đới lớn được quản lý hợp lý, người ta đều quan tâm tới việc tìm các vùng có khí hậu gần giống khí hậu châu Âu để người da trắng có thể nghỉ dưỡng phục hồi sức lực ở đó. Những khu nghỉ dưỡng này sẽ là nơi nghỉ ngơi điều dưỡng cho những người buộc phải sống tại những vùng có khí hậu khắc nghiệt. Đây cũng được dùng làm nơi bố trí các cơ quan chính quyền, các tổ chức và lực lượng quân đội không bắt buộc phải có mặt tại các địa điểm khác.

Gần như luôn cần tới một độ cao đáng kể để có được không khí trong là và nhiệt độ mát mẻ, những yếu tố hàng đầu cho một nơi nghỉ dưỡng.

Khi xem qua bản đồ, dường như vị trí cho những nơi như vậy không hiếm ở Đông Dương. Dẫu vậy, cho tới năm 1897, chưa có nơi nghi dưỡng nào được xây dựng hay dù chỉ là lập dự án. Thậm chí tồn tại một thành kiến vô lý chống lại mọi dự định kiểu này trong những người Pháp tại thuộc địa. Trong khi tại các thuộc địa Anh và Hà Lan ở Đông Ấn, nhất là tại các thuộc địa Anh, những khu nghỉ dưỡng đều đã được thiết lập. Các khu nghỉ dưỡng tại Đông Dương cũng cần thiết không kém gì các khu nghỉ dưỡng tại các khu vực Đông Ấn khác. Khí hậu Nam Kỳ đặc biệt nguy hiểm và làm thể lực suy yếu. Tình trạng của binh lính đồng trú tại đây cũng như việc phải nhanh chóng thay thế nhân lực trong các cơ quan chính quyền là một bằng chứng đủ rõ ràng. Cao Miên, Ai Lao và Trung Kỳ, cho dù có khí hậu đỡ khắc nghiệt hơn, vẫn không giúp người Pháp tránh mắc những căn bệnh đặc thù của vùng nhiệt đới. Bắc Kỳ, với mùa đông có nhiệt độ tương đối thấp, cho phép người Âu có thời gian lưu trú dài hơn, nhưng không phải là vô thời hạn. Như vậy, trên toàn Đông Dương, các khu nghỉ dưỡng đều sẽ có ích; ở miền Nam, chúng là không thể thiếu.

Vấn đề này bắt đầu được nghiên cứu vào năm 1897. Các yêu cầu khảo sát được gửi tới các Thống sứ trong một bức thư tôi viết cho họ ngày 23 tháng Bảy cùng năm, trong đó ấn định các điều kiện cần thiết cho việc thiết lập một khu nghỉ dưỡng; có độ cao tối thiểu 1.200 m, có nguồn nước dồi dào, có đất canh tác, có khả năng xây dựng đường giao thông dễ dàng.

Gần như ở mọi nơi việc khảo sát đều kéo dài và vấp phải khó khăn, nhất là khi tại nhiều nơi những người tham gia việc này không có niềm tin vào thành công. Theo những yêu cầu do bác sĩ Yersin đưa ra và dưới sự chỉ dẫn của ông, các cuộc thám hiểm đã được thực hiện ở khu vực dãy Trường Sơn gần ranh giới Nam Kỳ, nơi sông Đồng Nai và các phụ lưu chính của nó bắt nguồn. Những cuộc thám hiểm này đã thành công rực rỡ. Một cao nguyên rộng là cao nguyên Lâm Viên, đáp ứng được những yêu cầu cơ bản.

Với độ cao trung bình 1.500m và có diện tích gần 300 cây số vuông, cao nguyên này được cấp nước từ một nhánh của sông Đồng Nai cùng nhiều nguồn suối nhỏ. Ngay từ tháng Mười năm 1897, một trạm thử nghiệm đã được thiết lập tại đó cùng một trạm quan sát khí tượng và một vườn rau dưới sự quản lý của một người Pháp được Giám đốc Viện Nha Trang tư vấn giúp. Rất nhanh chóng, đã có thể đánh giá được nhiệt độ ôn hòa của cao nguyên và chất lượng đất tại đây là đủ màu mỡ cho việc trồng các loại rau. Còn lại một vấn đề giao thông rất quan trọng mà ban đầu có vẻ khó tìm ra giải pháp. Một tuyến đường mòn đầu tiên được mở ra vào đầu năm 1898 giữa Lâm Viên và bờ biển tại cảng nhỏ Phan Rang. Việc mở đường sắt lên cao nguyên được nghiên cứu, và một tuyến đường dự kiến được đưa vào hệ thống đường sắt mà đạo luật ngày 25-12-1898 phê chuẩn. 

Trong khi chờ đợi đường sắt đem đến câu trả lời dứt điểm cho vấn đề giao thông tại cao nguyên Lâm Viên, một tuyến đường với phần lớn lộ trình cho phép xe cộ lưu thông được xây dựng từ Phan Rang lên Lâm Viên trong năm 1899. Đến năm tiếp theo, người ta bắt đầu thi công một con đường dốc thoai thoải và có các đoạn cua với bán kính đủ rộng để có thể đặt đường ray xe lửa khi việc thi công diễn ra.

Đồng thời, những quan sát, thí nghiệm, nghiên cứu và thi công lắp đặt tiếp tục trên cao nguyên. Sau bốn năm quan trắc nghiêm túc với nhiệt kế, áp kế, vũ kế…, việc lưu trú của nhiều người Pháp tại đây đã chứng tỏ khí hậu hoàn hảo của Lâm Viên gần giống như khí hậu của miền nam châu Âu. Người ta tìm ra những nguồn nước sạch có chất lượng tốt ở đây, và việc thu dẫn phân phối nước được nghiên cứu. Những thử nghiệm trồng trọt và chăn nuôi được tiếp tục và mở rộng. Những ngôi nhà tiện nghi được xây lên; các thác nước được nắn dòng chảy và sử dụng để xây dựng một nhà máy cần thiết cho các công việc xây dựng khu nghỉ dưỡng… Khi tuyến đường sắt đi Lâm Viên được hoàn tất, khu nghỉ dưỡng sẽ chỉ cách Sài Gòn khoảng 340-400 cây số tùy theo tuyến đường chính thức được chọn, hay nói cách khác là khoảng 10 tiếng hành trình. Ngoài doanh trại và các cơ quan công vụ được thiết lập lâu dài tại Lâm Viên, các cư dân Pháp tại thuộc địa và các công chức có thể dễ dàng tới đây nghỉ ngơi cũng như đưa gia đình của họ tới đây và để con cái họ được giáo dục tại đây.

Kể từ khởi nguồn của dãy Trường Sơn về phía Nam cho đến đoạn kết thúc tại Ai Lao trên phía Bắc, trên chiều dài hơn 1.000 cây số, Lâm Viên không phải là cao nguyên duy nhất tại đây. Tuy nhiên, chưa có vị trí phù hợp nào cho việc thiết lập các khu nghỉ dưỡng được ghi nhận cho tới năm 1901”.

PAUL DOUMER