Tôi sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt. Tự hào là dân Đà Lạt.
Tôi quen thuộc (tới nỗi, bây giờ vẫn còn nhớ, như in) những con đường, những góc phố, từng viên gạch rong rêu đóng bám, từng vết lở chân chim trên cầu thang Chợ Mới. Cây Phượng Tím ở quán cà phê Hạnh Tâm trên đường từ bờ hồ Xuân Hương vào bùng binh Chợ. Hàng Mai Anh Đào dọc dường dốc Thành Thái. Quán Phở Ngọc Lan danh bất hư truyền (tái ngầu nạm thêm một chén mỡ hành trần béo ngậy nóng sốt) ở bên cạnh ấp Ánh Sáng khi còn có một khoảng rộng làm bến xe Đà Lạt liên tỉnh (hầu như độc quyền là hãng xe Minh Tâm). Quán mì Quảng đặc biệt tô “xe lửa” (to chưa từng thấy to so với những quán mì Quảng Đà Lạt) chiêu khách thêm là những lát chả lụa xắt mỏng và một hủ (cũng quá chừng to) củ hành ngâm giấm. Khách hàng cứ thoải mái gắp bỏ vô tô bao nhiêu cũng được, không giới hạn, không nói lời hành tỏi và không hề, dù chỉ một giây phút, dòm ngó canh chừng). Quán nằm ở trước bến xe Lam, sau lưng nhà thuốc tây Hoàng Hy Tuần (nghe nói mà cũng chính xác, là thân phụ của nhà thơ Hoàng Anh Tuấn), ngó qua bên phải là cà phê Tùng.
Là dân Đà Lạt hay là chỉ ghé lên đổi gió (nói là đổi gió cũng chỉ là cách nói quen, thật ra là lên để hưởng cái lạnh se và ngắm nhìn sương mù lung linh huyền ảo núi đồi phố xá và, đặc biệt, có dịp được mặc chiếc áo laine) ai mà không có một lần ghé tới cà phê Tùng. Nhất là mấy anh sinh viên sĩ quan Võ Bị Đà Lạt (với mấy chàng trai này thì phải gọi là cà phê Tuần [thay vì cà phê Tùng] vì lẽ chỉ cuối tuần, ra phép, mới ghé vào ). Đi tới một khoảng là vừa nhà hàng vừa quán cà phê Chic Shangai. Đi tới nữa, vượt qua đầu dốc Minh Mạng là lò bánh mì Wĩnh Chấn, ngược xuống dốc Duy Tân một đoạn rất ngắn, rẽ trái, là khu Đoàn Thị Điểm chuyên bán chè ngọt. Ai đó, đã có một thời, có dắt người mình yêu tới quán chè Kê Bánh Tráng Mè của mệ Xứng không ?
Rồi, ngày mưa, ghé qua đường Tăng Bạt Hổ mà ngồi chờ cái bánh Xèo giòn rụm ghém rau cải non (mới đúng điệu chớ rau xà-lách của Tây bỏ giống lại thì chưa thiệt là bánh Xèo Đà Lạt quê tôi). Rồi, có qua quán Mai Hường múc muỗng nhỏ (nhỏ thôi, muỗng to là phủi lòng Đà Lạt ) chén chè bông cau. Rồi, có lên đầu dốc Minh Mạng uống ly (cũng ly nhỏ thôi, ly vừa thì cũng coi là tạm được, nhưng ly lớn thì e là làm khó cho Đà Lạt mắc cở chuyện lấy hương lấy hoa) trà Sâm ngọt ngào thanh cảnh. Rồi, có xuống khu Ngọc Hiệp (vì có rạp hát Ngọc Hiệp nên gọi thành quen) ghé vô xe mì sợi của ông Tàu Ngọc Hiệp (tô lớn cũng không, tô nhỏ cũng không, chỉ tô vừa vừa). Để sau này, khi rời xa, cũng vừa vừa thương vừa vừa nhớ cái ngọt dịu đầm thấm của hương vị “nước lèo” trong như nước lã mà ngọt dịu, đậm đà không tìm nơi nào có được. Nhớ ghé quán phở Ngọc Hiệp, mà phải chịu khó chờ để giành cho bằng được chỗ ngồi kế bên lò lửa, vừa xít xoa vừa xoa tay xua không khí rét lạnh trời đêm để đón nhận cái nóng ấm của lò than rực hồng đang làm sôi nồi nước phở. Ngồi ăn tô phở nóng bên lò than rực hồng giữa trời rét lạnh, thiệt không có thú nào bằng. Ngó xéo qua bên phải, ngày xưa khi tôi còn là chú học sinh lớp Đệ Lục trường Trung học công lập Trần Hưng Đạo, có dịp được đi ăn cháo và xôi vịt ở quán Như Tĩnh. Bên hông quán có con đường hẻm dẫn vào quán Mì Quảng Tân Bình một thời nổi tiếng. Tô mì, nhỏ thôi, nhưng hương vị đặc biệt khó đâu sánh bằng. Mỗi lần ghé lại, hầu như khách hàng ai cũng “làm tới” hai tô, mới đã đời!
Sau này, tiệm cháo vịt không còn nhưng quán mì Quảng thì cứ vẫn còn bám trụ. Tôi có lần ghé và “làm tới” hai tô trước lúc rời xa quê hương Đà Lạt. Nghe nói, bây giờ, quán vẫn còn…

Một góc cà phê Tùng. Ảnh: Chuyện Đà Lạt.
Đó là (chỉ nói sơ qua) nên còn thiếu sót rất nhiều nơi chốn, phồn hoa đô hội. Còn chỗ thôn quê dân dã thì tôi từng ghé qua không biết bao nhiêu lần. Đặc biệt, ở Xóm tôi có quán phở Vịt một thời vang dội tiếng tăm cây-số-Bốn. Hai ngày cuối tuần, hàng xe nối dài dọc góc đường Hai Bà Trưng và La Sơn Phu Tử chỉ để chờ tới phiên được ngồi trước tô phở vịt. Tô phở bình dân chỉ với nước trong, vài miếng thịt vịt, nhúm hành ngò nhưng khi nếm vào mới thấm đậm hương vị khó mà diễn tả. Chỉ một lần thưởng thức là ghiền… tới trăm năm !
Tiếng gọi là quán nhưng chỉ che tấm vải bạt che nắng và khoảng trên mười chiếc ghế đẩu. Mỗi lượt người ăn xong đứng lên là đợt người sau nhích tới… Chủ quán , dù là người cùng Phường cùng Xóm, nhưng mọi người không biết tên ông nên chỉ gọi thành quen là ông Ba Vịt. Sau này lang bạt kỳ hồ, dù rất cố công tìm kiếm nhưng không nơi chốn nào tôi tìm thấy tô phở vịt. Vậy là phở vịt, duy nhất, chỉ có ở Xóm quê tôi. Ai đã từng ăn qua tô phở vịt chắc là không quên một thời đã chờ chực tới phiên mình được ngồi trước tô phở vịt giá rất bình dân, nóng hổi thơm lừng, ở cây số Bốn thành phố Đà Lạt.
Món phở vịt giờ đã thất truyền từ ngày bác Ba Vịt nằm xuống. Không biết chị Vi có được Ba của chị truyền nghề lại không !
Rồi còn trái bắp nướng thoa mỡ hành béo ngậy rải rác bày bán ở các ngả tư đường trong mùa rét lạnh. Tụ tập đông vui nhất là ở trước rạp chiếu bóng Ngọc Hiệp cuối dốc Minh Mạng.
Gói đậu phụng mặn ngọt nóng hổi của ông Tàu dáng người dong dỏng luôn mặc bộ quần áo trắng, đầu cũng đội chiếc mủ trắng, dắt chiếc xe đạp, phía sau có hai thùng đậu phụng rang nóng dòn, đi lên đi xuống ở dốc đường Minh Mạng. Gói đậu phụng đã , một thời, làm thêm duyên dáng mặn mà cho những cặp tình nhân, cũng, dưới tiết trời se lạnh về đêm Đà Lạt.
Đà Lạt, những tháng ngày xưa có biết bao thi vị viết hoài không hết. Cho dù đi xa góc biển chân trời vẫn cứ giữ gìn nỗi nhớ khôn nguôi.
Vậy mà bây giờ đã đổi thay, xóa dấu đến phụ phàng!
TRẦN HUY SAO
(Nguồn: Đà Lạt Dấu Yêu)