Năm ngoái một người bạn rủ tôi đi Đà Lạt. Câu đầu tiên tôi hỏi không phải đi bằng phương tiện gì, đi với những ai mà giờ này đang mùa hoa dã quì phải không? Người bạn gật đầu, thế là đi.
Nỗi háo hức về một mùa hoa dại đã đưa tôi đến với phố núi chứ Đà Lạt không xa lạ gì với tôi. Tôi biết Đà Lạt từ năm 12 tuổi. Sau này có trở lại vài lần nữa nhưng ấn tượng của chuyến đi ban đầu không thể nào phai. Đôi lúc muốn quên đi một Đà Lạt đã cũ để dung nạp thêm một Đà Lạt mới nhưng không thể. Mọi cảm xúc theo thời gian cứ thế cạn dần, cạn dần…
Đó là chuyến đi xa nhà đầu tiên của tôi. Vì không quen đi xe đò nên tôi bị say xe rất mệt. Tôi chỉ nhớ mang máng từ Tuy Hòa xe đi ngang cầu Xóm Bóng và Tháp Bà Nha Trang. Sau đó nghỉ lại Phan Rang một ngày một đêm, sáng hôm sau khởi hành đi Đà Lạt. Khí hậu Phan Rang nóng hơn Nha Trang nên tôi mệt hơn hai ngày trước nhiều. Tôi không nhớ đã thiếp đi trong bao lâu, chỉ lơ mơ thấy những cánh đồng khô khốc dưới trời nắng nóng và hai ống nước màu trắng của đập thủy điện Đa Nhim nằm vắt vẻo dọc dài theo sườn núi. Mãi đến khi không khí mát lạnh tràn vào trong xe tôi mới tỉnh táo hẳn. Xe đã lên tới đèo Ngoạn Mục. Có thể nói đây là một trong những đường đèo đẹp nhất tôi từng thấy cả về sau này. Nếu so sánh với đèo Cả thì đèo Ngoạn Mục không hùng vĩ bằng nhưng độ hiểm trở và thơ mộng phần nào nhỉnh hơn. Tôi vẫn nhớ xe chạy qua những đoạn đèo khúc khủy, những khúc cua rất gắt đôi khi không nhìn thấy xe chạy ngược chiều phía trước rất nguy hiểm. Từ trên cao nhìn xuống xe hơi bò chầm chậm giống như đồ chơi con nít song cảnh trí tuyệt đẹp giống trong mơ. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cây thông hay nói đúng hơn những rừng thông thẳng tắp, xanh mướt lâu nay chỉ thấy trên mấy tấm thiệp Noel. Rồi mây trắng trên cao, hoa dại len lỏi trên các sườn núi, không khí lành lạnh, Đà Lạt đã chào đón tôi với những hình ảnh ban đầu không thể nào đẹp hơn.
Càng đến gần Đà lạt không khí càng mát mẻ hơn. Gọi Đà Lạt phố trong núi quả không sai chút nào. Trong con mắt của một đứa trẻ miền biển như tôi thì phố núi Đà Lạt là một thiên đường. Trên sườn đồi, dưới thung lũng những ngôi biệt thự đẹp như trong cổ tích, những căn nhà gỗ trồng đủ các loại hoa nằm ẩn mình dưới rặng thông xanh. Hoàng hôn xuống ánh đèn cùng khói lam chiều tỏa ra từ những ngôi nhà trên đồi, dưới thung lũng chập chùng cao thấp trông cứ ngỡ Đà Lạt là một thành phố của Châu Âu. Tôi còn nhớ từ căn nhà trên đồi của người bà con ở đường Trần Hưng Đạo, tôi và một người dì trạc tuổi băng qua con đường mòn đến bãi cỏ của khách sạn Palace chơi. Chúng tôi nằm trên bãi cỏ ngắm trời xanh, cảm giác trời thật gần chỉ cần với tay là chạm tới ( sau này tôi mới hiểu vì sao nhà thơ Vũ Hữu Định viết “phố núi cao phố núi trời gần”). Xa xa đồi Cù xanh ngút mắt, mấy con nai vàng của khách sạn thong thả gặm cỏ chung quanh. Có đôi khi chúng tôi rủ nhau ra khu Hòa Bình, ánh mắt trẻ thơ không quan tâm đến mấy dãy phố chợ mà tò mò ngắm những con hẻm cao ngất ngưởng hay sâu hun hút với các bậc tam cấp bằng đá rất đặc trưng của Đà Lạt. Rồi lần nào trở về nhà ngang qua hồ Xuân Hương gió chiều cũng thổi lạnh buốt, hai tay phải đút vào túi áo manteau dù đang giữa mùa hè. Tôi cũng không quên những đêm trăng Đà Lạt, cả một rừng thông sau nhà dì tôi bừng sáng như ban ngày bởi ánh trăng vằng vặc trên cao, từng vạt sương mù lướt thướt di chuyển trên những ngọn thông khiến cho đêm cao nguyên trở nên huyền ảo và kỳ bí hơn bao giờ hết.

Tác giả (bên phải) trong chuyến tham quan Đà Lạt năm 1967. Ảnh: Tư liệu tác giả.
Đến tận giờ tôi vẫn còn giữ những tấm ảnh chụp trong chuyến đi năm ấy, tuy chỉ là ảnh đen trắng nhưng gợi nhớ Đà Lạt một thuở huy hoàng. Đó là cây cầu gỗ bắc ngang thác Prenn thơ mộng. Hồ Than Thở cô tịch và buồn đúng như tên gọi. Thung lũng Tình Yêu với rừng thông uốn khúc quanh mặt hồ tĩnh lặng. Dòng nước trắng xóa lãng mạn đổ xuống từ đầu nguồn ở thác Cam Ly. Đó cũng là một Đà Lạt khi lớn lên tôi bắt gặp trong bài thơ “Đà Lạt trăng mờ” của thi sĩ Hàn Mặc Tử, trong bài hát “Tình yêu như bóng mây” của nhạc sĩ Song Ngọc, “Ai lên xứ hoa đào” của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, “Đà Lạt hoàng hôn” của nhạc sĩ Minh Kỳ- Dạ Cầm hay trong tác phẩm “Vòng tay học trò” của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng và gần đây nhất trong tập hồi ký “Chuyện kể sau 40 năm” của ca sĩ Khánh Ly. Có thể nói phong cảnh hữu tình của Đà Lạt là nguồn cảm hứng dồi dào cho giới văn nghệ sĩ thời đó. Còn chúng tôi, những người từng đến Đà Lạt trong thập niên 1960-1970 đều dành những tình cảm đặc biệt cho Đà lạt, thành phố không chỉ có phong cảnh đẹp mà còn có phong cách sống và dân trí cao. Giới trẻ ngày trước hay kháo nhau dân Đà Lạt rất Tây, rất trí thức, sang trọng, lịch lãm còn hơn cả dân Sài Gòn. Một số trường Tây và trường Việt nổi tiếng trước năm 1975 ở Đà Lạt như Couvent des Oiseaux, Lasan Adran, Lycée Yersin, Bùi Thị Xuân, Trần Hưng Đạo, viện Đại Học Đà Lạt từng là mơ ước của nhiều thanh thiếu niên tỉnh khác (Bản thân người viết cũng mê Đà Lạt, năm 19 tuổi từng có ý định thi vào Đại Học Chánh Trị Kinh Doanh). Đà Lạt cũng là nơi dừng chân của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, ca sĩ, các nhân vật nổi tiếng… Có thể nói thiên nhiên và con người đã tạo nên một Đà Lạt tuyệt vời không thể lẫn lộn với bất cứ địa phương nào khác.
Sau năm 1975 tôi có dịp trở lại Đà Lạt mấy lần, thú thật lần nào trở lại tình cảm dành cho Đà Lạt mỗi vơi đi. Nhiều bạn bè của tôi cũng nhận xét y như thế. Vẻ đẹp thanh lịch và tinh tế của Đà Lạt mất dần qua cơn lốc đô thị hóa với sự tiếp tay tích cực của con người. Thành thử chuyến đi tháng 11 vừa rồi nhìn Đà Lạt thay đổi tôi không hề ngạc nhiên. Khu trung tâm thành phố chật chội hơn, nóng hơn vì xe cộ, nhà cao tầng. Nhà đúc thay cho biệt thự, nhà gỗ mọc lên chen chúc, lộn xộn trên các sườn đồi dưới thung lũng. Ai đã từng “đứng trên triền dốc nhìn xuống đồi thông”[1] hẳn sẽ thất vọng khi nhiều đồi thông thơ mộng ngày trước giờ nhường chỗ cho diện tích trồng trọt thay vì ở ngoại ô lại lấn sâu vào khu trung tâm trông rất nhếch nhác. Phố Đà Lạt bây giờ na ná các phố phường khác ở miền xuôi, đánh mất hình ảnh phố núi rất đẹp và rất riêng của mình.
Sự giả tạo và màu sắc lòe loẹt ở một số thắng cảnh cũng khiến cho các du khách yêu thiên nhiên phải chùn lòng. Như sự xuất hiện của bầy nai, bầy cọp giả đứng cứng ngắc trên các ngọn đồi thơ mộng ở thung lũng Tình Yêu, như màu sơn vàng chóe của cây cầu bắt ngang thác Prenn thay vì để màu tự nhiên của gỗ. Rồi những tiểu cảnh Tàu không ra Tàu, Ta không ra Ta thậm chí còn cho người đóng giả Tôn Ngộ Không cũng ở thác Prenn làm du khách lắc đầu ngao ngán. Nhiều người còn nói nói đùa, muốn xem cảnh giả thà vào Suối Tiên hay Đầm Sen còn hơn phải cất công lên tận Đà Lạt. Nạn rác thải và mùi hôi do nguồn nước bị ô nhiễm ở thác Cam Ly cũng làm cho du khách thất vọng. Các lều quán buôn bán lôi thôi, tạm bợ ở các thắng cảnh cũng góp phần làm giảm giá trị cảnh quan một cách đáng kể. Có thể nói vẻ đẹp tự nhiên của Đà Lạt đã bị bàn tay con người xâm phạm một cách vụng về, thô thiển. Điều này cũng có thể giải thích vì sao các tác phẩm nổi tiếng viết về Đà Lạt đều ra đời trước năm 1975 còn thời gian sau này hầu như rất hiếm.
Cùng một cách làm du lịch nhưng theo tôi ở Hội An hiệu quả hơn Đà Lạt rất nhiều. Một bên là bảo tồn những thứ xưa cũ để phát triển, một bên là tận thu nhưng không tận dụng những thứ sẵn có, nhất là quà tặng của thiên nhiên không phải nơi nào cũng có để phát triển. Thực tế cho thấy lần nào đến Hội An tôi cũng thấy lượng khách quốc tế tăng cao lấn lướt cả khách Ta. Còn mấy ngày lưu trú ở Đà Lạt tôi chỉ thấy khách nội địa chiếm đa số, khách Tây rất ít.
Theo lời khuyên của những người thường đến Đà Lạt gần đây, lần này chúng tôi tìm đến những vùng ngoại ô có không gian thoáng đãng xa thành phố, những kiến trúc còn mang đậm dấu ấn Đà Lạt xưa. Quả đúng như thế. Có lang thang trên những đồi chè thơ mộng ở Cầu Đất, hít thật sâu không khí trong lành hay hái những quả dâu còn mọng nước ở trang trại lúc trời còn mờ sương, len lỏi vào các vườn hoa của nông dân tìm cho ra một góc ảnh ưng ý mới thấy Đà Lạt đẹp, cái đẹp tự nhiên pha chút mộc mạc nhưng rất nên thơ. Chiều xuống, chúng tôi ngồi một góc ở nhà thờ Domaine ngắm vẻ đẹp bình yên của ngôi nhà thờ gần 100 tuổi với những bức tường vôi màu hồng để thấy phiền muộn trôi xa rất xa. Cũng có lúc đi ngang nhà thờ Con Gà, thấy dáng ai quen ngỡ một người từng học Đại Học Đà Lạt vừa đi vừa hát ngân nga: “trước ngày lên ngôi Chúa ai chắc không dại khờ”[2]. Đêm về, cả nhóm ghé café Cadasa vốn là một biệt thự cũ thời Pháp, nhờ người thắp nến lên rồi ngồi nhâm nhi café nóng, nghe quá khứ vọng về bên những vật dụng cũ xưa như lò sưởi, chân nến bằng đồng, chiếc đàn piano, giá nhạc. Đêm Đà Lạt mênh mông hơn nữa khi trên đường về khách sạn đi ngang qua café Tùng. Vẫn không gian hẹp, cách bài trí cũ, âm nhạc xưa tưởng như thấy Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, Tuấn Ngọc, Đức Huy các chứng nhân một thời của Đà Lạt đang ngồi ở đó.
Nhưng mục đích chuyến đi lần này của tôi không chỉ dừng lại các địa chỉ trên mà là dã quì, loài hoa dại tôi từng thấy trong một mùa đông ở Ban Mê Thuột cách đây bốn mươi năm, trong câu chuyện ngày 20-11 của một cô giáo ở phố núi La Hai, Đồng Xuân, Phú Yên thời bao cấp. Đám học trò nhỏ rủ nhau lên đồi hái những đóa hoa vàng có tên cúc núi mang về tặng cô giáo. Lần này nữa dã quì hay còn gọi cúc núi, cúc quì đã không làm tôi thất vọng. Sau những ngày mưa dài màu vàng của dã quì đã chiếm ngự cả cung đường Bảo Lộc- đèo Prenn- Đà Lạt và bên vệ đường trong suốt chuyến đi. Trên xe những người bạn U70 thi nhau la lớn: bên phải, bên phải… bên trái, bên trái mỗi khi phát hiện một vạt dã quì nhiều hoa. Không ai khác chính loài hoa dại mong manh nhưng không kém phần mạnh mẽ đã mang lại niềm vui và trẻ hóa lứa tuổi về chiều. Cái đẹp đôi khi đơn giản như thế, không cần phải cầu kỳ, trau chuốt cũng đủ để rung cảm, sẻ chia.
Từ quan niệm về cái đẹp tôi nghiệm ra một điều, vẻ đẹp thật sự của Đà Lạt chính là ở thiên nhiên và những kiến trúc giá trị cũ. Dư luận gần đây cũng đang xôn xao về đề án phá bỏ khu Hòa Bình và dinh Tỉnh trưởng cũ, hai di tích có giá trị lịch sử để xây dựng một khu mua sắm cao tầng, hiện đại ngay trung tâm Đà Lạt. Một trong những cây bút lưu tâm đến đề tài này là nhà văn, nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên tác giả hai cuốn sách viết về Đà Lạt: “Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách”, “Đà Lạt, một thời hương xa”. Và tác phẩm thứ ba “Đà Lạt, bên dưới sương mù” được giới thiệu ở Café Thứ 7 (vào cuối tháng 3-2019 vừa qua) đã thôi thúc tôi đến dự, tò mò xem thử tác giả là ai, người như thế nào lại có tâm huyết với Đà Lạt đến vậy.
Chương trình dự kiến bắt đầu lúc 9 giờ, tôi đến hơi sớm một chút và tình cờ trò chuyện cùng chàng trai trẻ ngồi bên cạnh, không ai khác hơn, là tác giả. Cây bút sinh năm 1979 quê ở Khánh Hòa đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tuy chỉ học đại học ở Đà Lạt mấy năm nhưng sự hiểu biết cùng tình yêu dành cho Đà Lạt chẳng những thấm đẫm trong những tản văn sâu sắc mà còn ảnh hưởng qua cách nói chuyện, tính cách thâm trầm, kín đáo rất ư Đà Lạt của Nguyên nữa. Tác giả tỏ ra thích thú khi biết tôi từng đến Đà Lạt từ những năm 1960, “Đà Lạt ngày đó chắc đẹp lắm hả cô? Dạ, Đà Lạt hôm nay thì…”. Hai tiếng đồng hồ giao lưu sau đó giữa tác giả và độc giả giúp tôi hiểu thêm về Nguyễn Vĩnh Nguyên, người mà một độc giả lớn tuổi người Đà Lạt ưu ái tặng cho cái tên “nhà Đà Lạt học”. Qua khối lượng tư liệu đồ sộ cùng cách thâm nhập vào vùng đất và con người của phố núi trong hai năm để hoàn thành “Đà Lạt, bên dưới sương mù” đủ thấy tình cảm của tác giả dành cho Đà Lạt không chỉ đơn giản là tình yêu mà còn là một sứ mệnh. Tôi rất tâm đắc câu trả lời của Nguyên dành cho một sinh viên của trường đại học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn như sau: “Tôi là lữ khách bị vướng bởi một lời nguyền bí ẩn nào đó: không thể “qua đường” với một thành phố, mà chính xác bị thành phố đó chiếm lĩnh”. Với tâm nguyện sâu xa như thế, tôi tin Nguyễn Vĩnh Nguyên không đơn độc trong cuộc hành trình đi tìm lại giá trị vẻ đẹp đích thực cho Đà Lạt.
Rời khỏi Café Thứ 7 hơn 11 giờ trưa, buổi giao lưu cũng đang ở những phút cuối cùng. Trời Sài Gòn bên ngoài bỗng dưng tối sầm báo hiệu một cơn mưa lớn. Đường Võ Văn Tần phía trước xe chạy nhanh hơn, người vội vã hơn, lá cũng rơi nhiều hơn. Thiên hạ đang chạy mưa hay trốn nóng? TV dự báo thời tiết hôm nay lên đến 36 độ C. Không dưng thèm giá mà giờ này đang ở Đà lạt thì hay biết mấy! Cũng mây mù thế này nhưng gió nhẹ, trời se se lạnh. Đường xuống phố phải băng qua những đồi thông rì rào như đang hát, những con dốc gầy thấp thoáng bóng áo dài trắng, áo len xanh của nữ sinh Bùi Thị Xuân. Chuông nhà thờ Con Gà rộn rã như giục chân ai dồn bước. Đứng giữa đồi Cù xanh xanh thẫm mà mơ một chuyến đi về tuổi thơ. Nhưng đó là Đà Lạt bây giờ hay Đà Lạt mấy mươi năm trước?
Ừ cứ cho là mơ đi! mơ một phép màu ngày nào đó sẽ đến với Đà Lạt. Không cần xây dựng, đổi mới gì nhiều cứ trả lại vẻ đẹp tự nhiên vốn có của Đà Lạt như thuở ban đầu mà “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm chưa dễ đã ai quên”(!)[3].
QUANG ĐẶNG
Tháng 4-2019
[1] Bài hát “Đà Lạt hoàng hôn” tác giả Minh Kỳ- Dạ Cầm
[2] Bài hát “Hai năm tình lận đận” nhạc Phạm Duy, thơ Nguyễn Tất Nhiên
[3] Bài thơ “Lời than thở của nàng mỹ thuật” tác giả Thế Lữ