Trong một cuốn tiểu thuyết nào đó, Patrick Modiano nói đại ý, thành phố sẽ có những điểm đặc biệt. Nghĩa là những nơi chốn mà ta dù có trôi đi đâu, trốn chạy thế nào thì cũng bị cuốn về trong nó.
Và dĩ nhiên, Modiano đã cho thấy một phần Paris là những quán cà phê, những ke bên sông, những khu chung cư cũ…
Với tôi, Đà Lạt có đủ phẩm chất của một Paris theo chiều kích ấy.
Có những điểm phát ra lực hấp dẫn lạ lùng. Hoặc rất sang cả thượng lưu, hoặc rất bình dị đời thường.
Tùng, của không gian trí thức nằm đối diện một khu nhà cũ kỹ của một bến xe từ lâu đã đóng cửa và một ngôi chợ cũ từ lâu đã không còn là chợ.
Tùng hấp dẫn thế hệ chúng tôi bởi sự tĩnh mịch của một không gian trí thức, hào hoa đã quá vãng. Một tàn âm của những giai thoại.
Nhưng quanh Tùng, còn có những góc quán khác, như thỏi nam châm gọi mời, buộc chặt nếu một buổi sáng nào đó bước chân ta tình cờ mà rảo bộ ngang qua. Đó là những quán cà phê kho nhỏ nhắn. Bên trong mọi thứ mộc mạc và toát ra một khí vị của thư nhàn.
Là Đô Mi Nô ngày trước.
Là chị em Bà Năm ngày sau.
Là những quán vô danh bên tiệm mì Tàu Cao.
Là 171. Là. Và Là.
Một sớm mưa bay, giữa trùng vây phố thị, tôi thấy bà Năm đặt lên bàn tôi một ly cà phê kho sánh đặc cùng một ly bột sắn dây.
“Con ăn thử đi, thứ này mát dạ lắm.”
Vậy đó. Mà những ông già bảy, tám mươi vẫn giữ thói quen lui tới những ngôi quán tứ chiếng này như thời họ mới đôi mươi, nghe ngóng tin chiến sự, tin bạn bè đứa nọ vùi thây trên chiến trường, đứa kia chìm tan trong lòng biển…
Như thời chị em chủ quán còn xuân sắc.
Thời gian đã bị nhốt lại trong một góc quán để trình hiện màn ảo hóa của mình.
Như một nghi thức trong tiết tấu chậm rãi mà thị dân bình thường của thành phố này đã tu luyện qua năm tháng. Bền đỗ lạ thường.

Một Đà Lạt hài hòa, không phân biệt giai tầng, cũng từ những góc quán thế này. Khi ông nhạc sĩ tối qua mới nói về cuộc thi piano quốc tế trên đài truyền hình xin ông xe ôm một chỗ ngồi cạnh cho ấm, khi anh công tử lớn lên trong biệt thự đường Hùng Vương tha hồ phà khói thuốc, tán chuyện với những khách lạ đến thành phố này chỉ với mấy trăm nghìn trong túi…
Nơi những nhan sắc đi qua, thuở chưa có check in, selfie để mà bóng hình gieo rắc lấp lánh trên màn hình.
Đà Lạt như thế đang đi qua.
Tôi quay lại, mỗi lần như thế, là mất đi một vùng sương trong tâm tưởng. Bà Tùng. Ông chủ nhà in Lâm Viên. Và bây giờ là bà Năm.
Mỗi vùng sương đi để lại một nỗi hoang vắng lạ lùng.
Vắng dần những cuộc không hẹn mà gặp ở góc quán nọ, góc đường kia. Bạn bè muốn gặp cứ tính toán nên hẹn nhau ở đâu để không trở thành nạn nhân của sự nhốn nháo.
Đã vắng dần những góc quán trung tâm hút ta đi về phía nó, dù ta có bị cuộc đời xô dạt về đâu. Khi phần linh hồn thắp lên trong thứ ánh sáng ảo diệu ấy, là những chứng nhân. Những di chỉ sống động của một lịch sử ngắn hạn – mới hơn một thế kỷ thôi, mà quá nhiều những khúc quanh co mờ mịt.
Kiến trúc ấy có hệ tỉ lệ tiêu chuẩn nào có thể áp vào để nói là đẹp hay xấu?
Những phế tích tinh thần đó, có tổ chức nào đủ bản lãnh và sự minh triết để đón nhận vinh dự xếp hạng, dù chỉ một lần?
Những trang văn bản về một lịch sử tinh thần, có ai mà xóa dấu được, phải không?
Bài, ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên