Nhất Linh, cha tôi – Kỳ 1: “Những ngày diễm ảo”

Cuốn hồi ký Nhất Linh, cha tôi của Nguyễn Tường Thiết vừa được Phanbook & NXB Phụ nữ cho ra mắt độc giả đang được độc giả yêu văn chương quan tâm đặc biệt. Tác phẩm này lần đầu được đến với độc giả trong nước; cung cấp nhiều tư liệu mới mẻ và thú vị trong hành trình hơn 40 năm, người con trai út của nhà văn, chính trị gia Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam đi tìm bức chân dung người cha bí ẩn của mình.

CHUYỆN ĐÀ LẠT xin giới thiệu 4 kỳ, trích từ chương đầu của cuốn sách kể chuyện Nhất Linh sống ẩn dật tại Đà Lạt sau những thất bại trong đường chính trị. Tựa bài của từng kỳ, CHUYỆN ĐÀ LẠT tạm đặt.

“NHỮNG NGÀY DIỄM ẢO”

Mãi đến năm 10 tuổi tôi mới được thấy rõ khuôn mặt bố tôi. Đó là khoảng cuối năm 1950 khi ông từ Hương Cảng trở về Hà Nội.

Trong thập niên 1940 cha tôi rất bận rộn với những hoạt động chính trị, ông sống bôn ba nhiều năm bên Trung Hoa. Thời gian này ông chỉ ghé về thăm mẹ con tôi trong những dịp đặc biệt ngắn ngủi, không đủ cho tôi kịp nhận diện khuôn mặt người bố. Bởi thế ngày mẹ con tôi đón tiếp ông trở về với gia đình, tôi đã đứng ngây người nhìn ông như nhìn một người khách lạ. Người khách ấy – Nhất Linh – mặc bộ ka-ki bốn túi, dáng dong dỏng quắc thước, khuôn mặt phong sương, có cặp mắt sâu, đôi mày rậm, vầng trán cao, nụ cười cởi mở dưới hàng râu mép và cái nhìn đặc biệt, nhìn thẳng và sâu vào đôi mắt người đối diện nhưng lúc nào cũng nhiễm một vẻ mơ màng, xa vời. Đêm hôm đầu tiên đoàn tụ, chúng tôi không ngủ, tất cả thức gần suốt sáng để trò chuyện với ông.

Trong căn nhà số 15 Hàng Bè – Hà Nội nơi mẹ tôi mở tiệm bán cau khô, vào một đêm mùa đông, bố mẹ con chúng tôi chen chúc nằm trên một chiếc giường tây lớn. Tôi còn nhớ rõ bố tôi nói với chúng tôi ngày hôm sau báo chí sẽ đến gặp ông và ông sẽ tuyên bố quyết định từ bỏ cuộc đời làm chính trị để trở về với đời viết văn. 

Riêng tôi, nằm sát cạnh người bố xa lạ, tôi vẫn không nói với ông một lời từ lúc ông trở về nhà. Rõ ràng là tôi đã giận dỗi và phản đối cái cách tiếp đón mà mọi người dành cho ông, bằng cách giả vờ ngủ say và không tham dự. Nhất Linh thì tinh lắm, ông đoán biết ngay có cái gì không ổn trong thái độ của thằng con út. Trong lúc vẫn nói chuyện với mẹ và các anh chị tôi, chốc chốc ông lại thò tay dưới chăn véo mạnh vào đùi tôi để thăm dò thằng con còn thức hay đã ngủ, nhưng tôi chịu đau, lờ đi. Mãi về sau, đau quá, chịu không thấu, tôi phải la lên, tiếng kêu có vẻ tỉnh táo lắm, khiến ông tung chăn ngồi dậy, nói to: “À, thằng này giỏi chịu đau từ lúc nãy đến giờ, nó chỉ vờ ngủ!”. Cả nhà ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra giữa hai bố con. Thế là sau mười năm xa cách, ông đã tìm cách “đàm thoại” với tôi trong chăn và qua cách ấy hai bố con tôi đã nghĩ về nhau một cách lặng lẽ. 

Nhà văn Nhất Linh và vợ. Ảnh: Tư liệu trong sách

Mẹ tôi thường nói bố tôi tuổi con ngựa nên suốt đời hay đi, không mấy khi ở gần với gia đình. Bà cũng thường nói khi lấy cha tôi, ông đã cam kết ngay từ đầu rằng mỗi người có một bổn phận, ông có bổn phận đối với xã hội, còn bà có bổn phận đối với gia đình. Tôi ít thấy một cặp vợ chồng nào mà sự cam kết ban đầu lại được cả đôi bên tôn trọng lâu dài hơn thế. Thực ra, chẳng phải vì ông hoạt động cách mạng nên hoàn cảnh bó buộc ông phải sống xa gia đình. Ngay sau này, khi sống một cuộc đời bình thường, ông cũng không mấy khi ở gần mẹ con chúng tôi. Bản chất và lối sống của bố mẹ tôi hoàn toàn khác biệt, khó có thể dung hợp. Tính ông tuyệt đối ưa chuộng sự giản dị, chân thật, sự mơ mộng, yên tĩnh và sạch sẽ. Còn mẹ tôi, suốt đời buôn bán nghề cau để lấy tiền nuôi lũ chúng tôi, nên phải sống trong điều kiện ngược hẳn lại: Bà buộc phải thực tế, màu mè, khách sáo, sống nơi chợ búa ồn ào, bừa bãi, luộm thuộm.

Lũ chúng tôi phần lớn sống gần với mẹ, nhưng đôi khi cũng được gửi đi sống bên cạnh bố. Sự dàn xếp trong lối sống của bố mẹ tôi thực là tuyệt diệu vì chính nó đã giữ được hòa khí trong gia đình. Không bao giờ chúng tôi nghe thấy bố mẹ tôi to tiếng với nhau. Trái lại, chính vì thời gian sống chung bên nhau hiếm hoi nên cả hai đã tạo cho nhau những ngày sống chung trở thành một chuỗi “những ngày diễm ảo”.

 Mẹ tôi kể lại là trong thời gian trước khi tôi sinh ra, cứ mỗi lần Nhất Linh viết xong và xuất bản được một cuốn truyện mới thì dù mẹ tôi có bận rộn buôn bán đến mấy đi nữa ông cũng buộc mẹ tôi bỏ hết để cùng sống với ông riêng biệt một thời gian bên bãi biển Sầm Sơn. Ông còn tập cho mẹ tôi hút thuốc lá, uống rượu, thưởng thức thú pha và uống trà Tàu buổi sáng, để rồi sau bà cũng nghiện không thua gì ông.

Sau này, trong những ngày ở Đà Lạt lạnh lẽo, những buổi sớm mai khi chúng tôi còn nằm vùi trong chăn, thì bố mẹ tôi đã rù rì tâm sự với nhau bên tách trà nóng, rất là tương đắc. Sở dĩ bố mẹ tôi có thể sống xa nhau thường xuyên mà không phiền hà vì cả hai đều có một điểm giống nhau, đó là sự say mê làm việc. Nếu Nhất Linh đam mê viết sách, làm báo và những hoạt động xã hội, thì mẹ tôi cũng mê say trong việc làm ăn buôn bán không kém, có khi lại còn hơn cả ông.

Lũ chúng tôi không hề cảm thấy buồn phiền vì thiếu sự chăm sóc thường xuyên của cả bố lẫn mẹ, trái lại còn thấy sung sướng vì cảm thấy mình được tự do.  Sau khi ở Trung Hoa về nước và sống với mẹ con tôi ít ngày, Nhất Linh thu xếp mấy thứ hành trang giản dị dọn qua ở nhà bác Nguyễn Tường Thụy tôi, số 3 đường Lý Thường Kiệt, trong một khu phố Tây yên tĩnh, đối diện với Viện Đại học Hà Nội. Ông ở đó ít tháng để hoàn thành bức vẽ truyền thần chân dung bà nội tôi. Đó là một bức họa lớn bằng bút chì, nét vẽ đơn sơ sắc sảo. Nhất Linh đã ghi lại hình ảnh sống động bà mẹ của ông trong bộ áo nâu tu hành đang ngồi chắp tay tụng niệm. 

Đầu tháng 4 năm 1951, Nhất Linh và toàn gia đình bác Thụy tôi dọn vào Nam.

(Trích sách Nhất Linh, cha tôi, tác giả Nguyễn Tường Thiết, Phanbook & NXB Phụ Nữ, 2020)

[Đón đọc kỳ 2]