Sau những ngày nằm dài trong resort ở bên hồ Tuyền Lâm, tôi một mình lái xe ra trung tâm tìm quán rượu và một chút không khí phố xá. Con đường ven hồ bàng bạc hơi sương, màu trời của buổi hoàng hôn buồn bã tĩnh mịch. Giọng Laura Fygi trong bản Le Temps Qui Passe như lời người tình thì thầm bên tai khiến sương chiều trên những cánh rừng đã ảo mờ càng thêm mờ ảo.
Nếu là Đà Lạt của chỉ hai mươi năm trước thôi, không cần chờ đến khi chiều xuống và ở bên một mặt hồ giữa rừng thông mới cảm nhận được một chút khói sương, mà dù là trong ngày nắng hè, khí trời vẫn bảng lảng thường hằng một màn lụa mỏng tang mờ mờ ngăn cách giữa ta với cảnh vật.
Ngày đó về trước, Đà Lạt đúng với định danh Thành Phố Sương. Sương giăng khắp chốn và trong mọi khoảnh khắc của ngày. Sương sáng thở ra từ mặt hồ, từ cỏ cây và từ đất đai (lạ thay, sương Đà Lạt lại không phải từ trời mà từ đất!), sương trưa khiến ta ta cảm nhận rõ hơi thở của thổ nhưỡng, sương chiều dắt ta đi vào phong thổ nơi chốn và sương khuya theo ta chuyến về trong cô lẻ và phôi pha.
Trước sương, ta như bị nhấn chìm vào cảnh như một chủ thể, lại vừa đứng mãi xa bên ngoài như là khách thể. Ta thuộc về và hoài nghi, vừa thoáng hiện diện vừa sực tan biến.
Không gian của sương mờ đã tạo ra nét đẹp riêng mà thiên hạ vẫn khái quát hóa thành những tính từ: lãng mạn, thơ mộng.
Bây giờ lãng mạn hay thơ mộng trở thành những mĩ từ nhảy nhót trên những áp-phích, băng rôn với màu chữ đỏ áp đảo thị giác, chứ không nhỏ nhẹ lay động từ nguyên bản cảnh sắc nữa. Sương – hiện thân của thần khí đất đai cũng vì thế không còn liên đới với thần kinh mẫn cảm của con người. Mối dây liên kết người và cỏ cây, người và đất đai đang bị thất lạc vì ngày vắng sương trời. Khoảng trời trong và nắng gắt trong năm tăng lên.
Dần dà người ta đến Đà Lạt cảm thấy thiếu vắng một nỗi gì khó lý giải, hóa ra là thiếu sương – sương của thị giác và sương của giao cảm vi tế làm nên mối tương liên tuyệt vời.

Trong niềm quay quắt nhớ, nếu có một buổi sáng thức dậy mà bất ngờ bắt gặp sương mù, lữ khách sẽ cảm thấy mình may mắn như gặp một diễm phúc trong đời. Y sẽ reo lên rằng, trời đã đãi cho tôi một bữa sương tràn trề, hoặc có khi tâm hồn y chết lặng không tin vào sự thật mắt thấy, cứ tưởng sương cũng là thứ tuyệt chủng lâu rồi.
Sương giá đi vắng hay trốn đâu đó trong địa tầng thăm thẳm, chẳng buồn rong chơi hay bộc bạch với không gian. Sương ở đó, câm lặng và ẩn mật, họa hoằn lắm mới tỏa lên ngun ngún chờn vờn, nhắc nhớ về một sự hiện diện mong manh. Sương không ngờ mình biến thành món cổ vật trong cuộc khảo cổ học không gian của những kẻ săn tìm ký ức.
Thế nên trong những bữa sương tràn trề, khi không còn tin vào mắt mình, lữ khách tự hỏi, liệu đó là sương thật hay chỉ là linh hồn của sương?
Trong sương mù năm xưa, thành phố ẩn hiện, những nếp nhà lác đác chỉ vừa điểm tô nét duyên dáng sống động, cái sống động của sự ẩn mình chờ tan biến. Tôi nhớ rằng các quy hoạch gia từ thời thuộc địa đã triển khai những khoảng trống cho sương hiện diện. Con người, cửa nhà, công trình chỉ đủ để tôn lên sự quyến rũ của cảnh sắc và mở ra những khoảng không cho sương trình hiện. Rồi cũng như một thứ nghệ thuật lấy khoảng trống làm trọng tâm, bao cuộc đời đã đến, đi, nương náu và tan biến vào hư vô trong tâm thế hài hòa, may mắn được chọn nhân gian làm nơi an dưỡng.

Đà Lạt là một nơi chốn nước đôi, bởi ngay từ đầu, một mặt với yếu tính đô thị nhân tạo – con người tham gia can thiệp vào tự nhiên, nhưng một mặt lại không thôi dằn vặt vì dần dần truất hữu dấu vết của tự nhiên.
Đọc thành phố qua mù sương. Trong mù sương, qua thời gian, cảnh sắc liên tục biến hình, lịch sử liên tục đổi thay. Sương thở lên không gian màu phủ đậy và lãng quên. Nhưng lại cũng đồng thời gợi bao mối cảm hoài. Những địa tầng thở ra sương tái hiện những cảnh vực ký ức trong lặng thinh.
Giọng ca Laura Fygi vẫn ấm như hơi thở mơ hồ của những người tình giữa đêm sương dày. Tôi mãi trôi về phía phố. Nơi quán rượu khuya là một đêm khát sương.
Bài và ảnh: NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
[Bài đã đăng trên Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp số tháng 8-2022]