“Những tinh hoa Đà Lạt thời quá khứ một lần nữa được phủi lớp bụi thời gian, nâng niu, tái hiện và bảo tồn trên trang viết của Nguyễn Vĩnh Nguyên.
Một Đà Lạt trung lập trong cục diện chính trị diều dịch biến, bặt thiệp và tao nhã trong đời sống văn hóa, hài hòa và bình đẳng trong tương quan cộng đồng thị dân đã trở thành phông nền lý tưởng cho những cuộc tri ngộ tốt lành.
Các sự kiện lịch sử được cắt lớp, soi tỏ qua từng mảnh chuyện thú vị trong một cuộc đối thoại đong đầy hoài niệm.
Tác phẩm này cùng với du khảo Đà Lạt, một thời hương xa và biên khảo Đà Lạt, bên dưới sương mù làm thành bộ ba khảo cứu dành cho những độc giả yêu mến Đà Lạt và muốn hiểu thấu đáo những gì làm nên phẩm cách văn hóa Đà Lạt.” – theo lời giới thiệu trên bìa 4, cuốn sách biên khảo mới nhất của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên.
Thời gian của các câu chuyện trong sách kéo dài từ 1899 với cuộc khảo sát Lang Bian của nhà thám hiểm Alexandre Yersin và Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer và kết thúc là câu chuyện tình thật đẹp, trọn vẹn với hiền thê người Đà Lạt của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.
Một số nội dung độc giả có thể tìm thấy trong tác phẩm biên khảo này: Alexandre Yersin và Paul Doumer đã từng đi ngựa băng rừng để tìm viễn kiến cho một đô thị; Những nhà nông, nông trại đầu tiên trong thành phố mà canh nông là một yếu tố làm nên mã gene đô thị. Cuộc hôn nhân của Hoàng đế Bảo Đại với Nam Phương Hoàng hậu có thể có nhiều khúc khuỷu, nhưng có phải được khởi đầu từ những toan tính thực dụng của một Hoàng đế mà số phận buộc phải làm Hoàng đế như nhiều người đã nhìn nhận định kiến?; Nhất Linh Nguyễn Tường Tam có phải là người bạc nhược như trong những diễn tả của những người từng “chung thuyền” trong Hội nghị Trù bị Đà Lạt 1946?; Hàn Mặc Tử đã bị khí trời Đà Lạt khiến cho suy nhược ra sao để rồi dệt nên trên trang giấy một Đà Lạt trăng mờ bất tử?; Những bác sĩ phương Tây mà người Đà Lạt cần phải tri ân; Người bản địa được các nhà thừa sai nâng niu ra sao, và vị trí trung tâm của họ được diễn dịch thế nào trong chính sách nghiên cứu dân tộc học thời VNCH?; Những kinh nghiệm chụp ảnh Đà Lạt của hai nhiếp ảnh gia nổi tiếng Sài Gòn: Nguyễn Cao Đàm và Trần Cao Lĩnh… Cuốn sách cũng cung cấp một số nội dung, tài liệu thú vị khác.
Sách do NXB Trẻ ấn hành, dày 356 trang. Trong lần xuất bản đầu tiên, biên khảo Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ được NXB Trẻ thực hiện hai phiên bản: bìa cứng (200 bản) và bìa mềm (2.000 bản). Kèm theo sách là món quà tặng bạn đọc yêu Đà Lạt: bản đồ phân vùng thành phố Đà Lạt do Service géographique de l’Indochine (Sở Địa dư Đông Dương) ấn hành năm 1952 được thu thập từ Thư viện Đại học Toronto và một book-mark dưới dạng bưu ảnh (post card).
Sách đã lên kệ tại các nhà sách lớn: Phương Nam, Fahasa và các trang bán sách trực tuyến: Tiki, Shopee, Lazada… Độc giả cũng có thể đặt sách qua Fan Page Chuyện Đà Lạt.
- Chuyện Đà Lạt