3 phương án quy hoạch kiến trúc đồi Dinh: Giới chuyên môn phản ứng mạnh!

Sau hai tuần, ba phương án kiến trúc quy hoạch đồi Dinh mà UBND thành phố Đà Lạt triển lãm “lấy ý kiến nhân dân” đã thu hút dư luận quan tâm đặc biệt. Trên báo chí, cũng đã xuất hiện những phát ngôn chính thức từ phía chính quyền Đà Lạt và sau đó đã nhận được những phản biện thẳng thắn từ giới chuyên môn kiến trúc, quy hoạch.

Chuyện Đà Lạt xin trích lược một số ý kiến chính để độc giả tiện theo dõi.

KTS. TSKH Ngô Viết Nam Sơn: Sai lầm chồng lên sai lầm!

Quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình – Đà Lạt (tỉ lệ 1/500) là một quy hoạch sai lầm về bảo tồn và phát triển đô thị do đó khi đi vào vấn đề cụ thể, đưa ra phương án quy hoạch không gian khu vực đồi Dinh lại càng sai lầm nặng hơn.

Tôi cho rằng nếu tôn trọng người dân, lịch sử, di sản thì nên xóa bỏ quy hoạch trung tâm Hòa Bình – Đà Lạt mà UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt hơn 1 năm qua.”

 (Báo Tuổi Trẻ)

KTS. Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: “Vô cùng dở!”

Cái đó dở lắm, vô cùng dở!

(Báo Tuổi Trẻ)

GS.TS.KTS. Nguyễn Quốc Thông – Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam: Mình tự xóa mình!

“Phá hủy đi khu phố Việt Hòa Bình là tự mình phá đi dấu ấn kiến trúc, văn hóa của cộng đồng người Việt xưa ở Đà Lạt, là mình xóa của mình. Đó là điều rất đáng tiếc.”

(Báo Tuổi Trẻ)

KTS. Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM: Phải dùng cách khác…

Về vấn đề này, cá nhân tôi nhận thấy, đúng là Đà Lạt đang thiếu các dịch vụ ở và dịch vụ cao cấp. Nhưng ta có thể đặt vấn đề là tại sao người dân, du khách ở các nơi vẫn đến Đà Lạt nghỉ dưỡng, du lịch khi Đà Lạt chưa có nhiều công trình lớn? Phải chăng điều hấp dẫn du khách là do điều kiện thiên nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, cảnh quan… Vậy khi ta phá đi những cái đó để biến Đà Lạt thành một thành phố giống như New York, như TP.HCM… thì liệu du khách còn lên đây nữa hay không? Khoảng gần hai mươi năm trước, tôi có viết bài Đà Lạt “nóng” và “nhanh” dần lên! Đặt trong hoàn cảnh so sánh với TP.HCM và nhiều thành phố phát triển nhanh bằng công nghiệp, nếu Đà Lạt cũng muốn phát triển với tốc độ như vậy, bằng cách như vậy thì tôi nghĩ rằng Đà Lạt sẽ mất đi lợi thế của mình và không còn hấp dẫn du khách nữa. Ta muốn phát triển mà vẫn giữ được hồn cốt của Đà Lạt thì phải dùng cách khác chứ không phải theo cách lấy đất vàng của cha ông để lại xây cất lên.
 Có thể lấy một thí dụ là Hội An để so sánh và tôi cho rằng Hội An đã làm tốt. Hội An đang thu hút rất nhiều du khách. Hội An cũng có dịch vụ lưu trú và các dịch vụ cao cấp khác nhưng họ vẫn giữ được khu phố cổ và hồn cốt của mình. 
Đà Lạt liệu có làm được như vậy?

(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống)

KTS. Phan Minh Tiến (Đà Lạt): “Một sự cố tình nhầm lẫn…”

Là người sống tại Đà Lạt, tôi thấy việc chỉnh trang đô thị không đồng nghĩa với việc phải thay thế các công trình theo lối kiến trúc cũ bằng công trình leo lối kiến trúc mới. Đặc biệt là ở khu trung tâm Hòa Bình, nơi được xem là có giá trị di sản bậc nhất Đà Lạt. Tôi thấy cả ba phương án đang cố tình nhầm lẫn giữa “chỉnh trang” và “thay thế”. Các dự án mà người ta cố tình “nhét” vào, như khách sạn Đồi Dinh chẳng dạn, sẽ chẳng có ý nghĩa gì trong việc chỉnh trang đô thị cả.

(Báo Phụ Nữ TP.HCM)

TS.KTS. Đặng Thanh Hưng:  “Tài sản mà Đà Lạt đang có là kim cương chứ không phải cục đất”

Đà Lạt có một tài sản vô giá là di sản kiến trúc/ đô thị và thiên nhiên. Không nhiều nơi ở Việt Nam hay trên thế giới có được cả hai điều đó. Điều đáng buồn chính là ban lãnh đạo thành phố đang quá xem thường hay không biết giá trị tài sản mà mình đang có. Tài sản mà Đà Lạt đang có là kim cương chứ không phải cục đất. Vì vậy, thay vì nắm giữ tài sản lớn và phát huy chúng để tạo ra những giá trị cao hơn thì chúng ta đang “tiêu” quá hao: thiên nhiên bị hủy hoại, di sản bị đối xử không đúng và xóa bỏ.

Hãy nhìn vào khu biệt thự Trần Lệ Xuân, Dinh Bảo Đại, biệt điện của Hoàng hậu Nam Phương trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng đang được giữ gìn và khai thác như thế nào. Và bây giờ là Khu Hòa Bình và Dinh Tỉnh trưởng.

(Báo Phụ Nữ TP.HCM)

TS. Khuất Tân Hưng: “Cần nhấn mạnh khái niệm di sản đô thị”

“Tôi đánh giá đồi Dinh là một trong những điểm cảnh quan hiếm hoi còn sót lại ở khu vực này. Nên nếu thực hiện như các phương án đưa ra lấy ý kiến thì nó sẽ đô thị hóa nốt cảnh quan thiên nhiên này.

Ở đây, đồi Dinh có vị trí quan sát cảnh quan rất đẹp, nó cao nhất khu vực đó. Những vị trí như thế thường có giá trị rất cao. Chủ đầu tư chắc cũng nhận ra điều đó.

Tuy nhiên, vì giá trị chiều cao nên nó không nên thuộc về công trình nào, công ty nào mà nên mang tính công cộng. So sánh có thể hơi khập khiễng nhưng tôi muốn so sánh nó với đồi Montmartre ở Paris (Pháp).

Ở đấy, có hoạt động liên quan đến nghệ thuật. Trên đó cũng có một công trình là Thánh đường Sacré-Cœur, là công trình mà nhiều người có thể vào được.

Đồi Dinh sẽ có các lối đi dạo từ trung tâm Hòa Bình đi lên, ngắm cảnh. Có thể có một số kiến trúc nhỏ, quán cà phê dừng chân, tổ chức thêm hoạt động mang tính nghệ thuật. Đó là điều tôi nghĩ có thể hợp với đồi Dinh.”

(…)

“Tài nguyên di sản có nghĩa rộng hơn, không phải chỉ di tích mới được gọi là di sản. Nếu chỉ di tích mới là di sản, nhiều công trình trên con đường tồn tại sẽ dễ dàng bị phá hủy.

Khái niệm di sản đô thị cần được nhấn mạnh, khẳng định. Khi nói đến di sản đô thị có nghĩa là nói đến tổng hòa giữa công trình kiến trúc với quần thể văn hóa lối sống.

Trong đó, có công trình kết hợp với cảnh quan, không gian mở, văn hóa, con người. Đặt ra câu chuyện đó thì mới tránh được chuyện người ta cứ tỉa dần di sản đô thị như đồi Dinh.”

(Báo Thanh Niên)

KTS. Hoàng Thúc Hào: “Câu chuyện Đà Lạt cần được kể tốt hơn”

“Đà Lạt có bao nhiêu câu chuyện chưa được kể tốt. Nếu kể chuyện tốt thì sẽ có người nghe, sẽ thu được tiền. Nguyên tắc là nơi này phải dành cho tất cả mọi người, chứ không phải một công trình thương mại của một chủ đầu tư”

(Báo Tuổi Trẻ)

TS. Nguyễn Hồng Hạnh (Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị; nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng): Nên chăng cần có phương án nghiên cứu lại đồ án quy hoạch này?

Hiện nay đã có rất nhiều kiến trúc sư, chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng gửi kiến nghị về việc xem xét lại quy hoạch khu trung tâm thành phố Đà Lạt, thì UBND tỉnh Lâm Đồng cũng nên nghiên cứu những ý kiến này. Đó là những ý kiến tôi cho là khách quan, bởi họ đâu có lợi ích cá nhân gì ở Đà Lạt. Và nên chăng cần có phương án để nghiên cứu lại đồ án quy hoạch này.

Cần phải lấy ý kiến rộng rãi trong giới kiến trúc, quy hoạch, cộng đồng dân cư và các nhà khoa học, văn hóa, lịch sử,… Khi đã nhận được sự đồng thuận với bản quy hoạch ấy thì mới phê duyệt và làm cơ sở triển khai thực hiện.

Còn việc doanh nghiệp đã bỏ kinh phí ra tài trợ, cho dù có theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, thì đối với những khu vực trọng yếu, nhạy cảm về di sản, văn hóa, lịch sử như Khu Hòa Bình của Đà Lạt, chính quyền nên có một ứng xử khác, cần có trách nhiệm hoàn lại cho người ta và nên dùng tiền ngân sách địa phương cho việc nghiên cứu quy hoạch theo đúng quy định pháp luật.”

 (Tạp chí Người Đô Thị)

CHUYỆN ĐÀ LẠT tổng hợp