Thi đậu Tú tài phần 1, bốn đứa chúng tôi rời Ban Mê Thuột để lên Đà Lạt vì xứ Buồn Muôn Thuở lúc đó không có lớp Đệ nhất.
Chúng tôi học tại trường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt, và ở trọ tại nhà ông Tư Sum, đường Võ Tánh. Đây là một con đường “thân thương” chỉ vì rất gần với trường nữ Bùi Thị Xuân. Hàng ngày những chiếc áo len xanh thường qua lại như một đàn bướm lượn lờ trước những cặp mắt “tò mò” của các chàng trai trọ học, lần đầu trong đời sống xa nhà.Dãy nhà trọ được ngăn thành từng phòng nhỏ dành cho các học sinh đến từ khắp nơi hội tụ về đây, từ các cô trường Bùi Thị Xuân, nam sinh trường Lycée Yersin, Adran đến các sinh viên trường Đại học Đà Lạt. Nghĩa là đầy đủ dân trọ học tại xứ Hoa Đào. Ông Tư Sum, chủ nhà trọ hành nghề một cách “bài bản, lớp lang”, ông bao thầu “từ A đến Z”. Ngoài việc cung cấp phòng trọ, ông còn nấu cơm tháng cho sinh viên và học sinh. Ông quả là một nhà kinh doanh đa tài, cộng thêm tính tình cởi mở, gần gũi với… khách trọ!
Thực ra, tôi là dân Đà Lạt, đã từng gắn bó với “Thành phố Sương mù” từ năm 1953 khi gia đình từ Hà Nội bay thẳng vào Đà Lạt vì công vụ của bố. Đến năm 1963 gia đình tôi một lần nữa rời đất này để đến với xứ cao nguyên đất bazan “đất đỏ, mưa bùn, nắng bụi” cũng chỉ vì công việc của bố.Tôi bắt đầu học tại trường Trần Hưng Đạo Đà Lạt từ năm Đệ thất và đến năm Đệ ngũ chuyển sang trường trung học của xứ Ban Mê. Và rồi lại “tái hồi” Đà Lạt năm Đệ nhất để chuẩn bị cho năm cuối trung học với tư cách là một học sinh ở trọ. Chúng tôi gồm 4 học sinh từ xứ “Bụi Mù Trời” lên Đà Lạt học nên mới có tên… “tứ quái”! Sở dĩ “tứ quái” cùng chọn “Thành phố Sương mù” vì chúng tôi chơi rất thân với nhau ở thị trấn “Buồn Mà Thương”. Vĩnh Anh là người bạn thân nhất vì có chung nhiều sở thích văn nghệ như đàn hát, chép thơ lại còn ghiền xi-nê, thích đọc sách. Gia đình Vĩnh Anh ở trong đồn điền Cada cách thị trấn 25 km nên hầu như ngày nào cũng ở nhà tôi, ăn cơm… rồi tối đến còn tham gia đánh trống trong ban nhạc tại các phòng trà, câu lạc bộ.Nguyễn Mạnh Dũng là con trai của thầy Nguyễn Huy Quang dậy thể dục tại trường TH BMT. Nhà Dũng ở khu Hưng Đạo gần phố nên thường ra quán billards Thanh Sơn, đi những đường cơ lả lướt với những series 3 hay 5 là chuyện thường tình. Trần Hen là thành viên mới trong “tứ quái”, đến từ Sóc Trăng, miền Tây Nam bộ, nên có giọng lai Miên. Gia đình Hen lên BMT cũng vì công vụ của bố, anh hòa nhập cùng bộ tứ một cách dễ dàng vì tính tình cởi mở, thân thiện.Bốn người bạn họp lại tại xứ Hoa đào, thoát vòng kiềm tỏa của gia đình nên chẳng khác nào những cánh chim xổ lồng, sống một cách tự do, thích gì làm nấy. Thật tình mà nói, phần học thì ít mà chơi thì nhiều!
Tôi và Vĩnh Anh lập một ban nhạc của trường Trần Hưng Đạo, chơi đàn điện Fender theo kiểu ban The Shadows, hòa tấu những bản nhạc thịnh hành khi đó như Apache, FBI, Man of Mistery… Tôi solo, Vĩnh Anh chơi trống và một người bạn cùng lớp, Huỳnh Bá Tuệ Dương, chơi guitar accompanée. Sau này mới biết chị lớn của Dương, cô giáo Huỳnh Bá Thiên Vân, hồi năm 1954 đã dậy tôi tại trường Nam tiểu học Đà Lạt! Ban nhạc chúng tôi còn có sự góp mặt của Từ Công Phụng, người gốc Chàm, đến từ Ninh Thuận. Cũng giống như Shadows có Cliff Richard, ban nhạc của chúng tôi còn có Phụng đóng vai ca sĩ, chuyên hát những bài do tự anh sáng tác như Mùa thu mây ngàn, Bây giờ tháng mấy… Thật không ngờ, mấy năm sau Từ Công Phụng trở thành một nhạc sĩ kiêm ca sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn khi bắt đầu hát chung với Từ Dung. Hóa ra anh là người tham gia văn nghệ suốt đời và trở thành một trong những nhạc sĩ có tiếng của nền âm nhạc Việt Nam!
Ban nhạc trường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt (Vĩnh Anh, Huỳnh Bá Tuệ Dương và Nguyễn Ngọc Chính)
Ban nhạc không tên của chúng tôi thường xuất hiện trong các dịp mà hồi đó gọi là “Bal de Famille”, những buổi khiêu vũ gia đình thường được tổ chức vào những ngày cuối tuần. Hợp đồng chơi nhạc chỉ có tính cách tượng trưng, vui là chính!Có lần tôi để ý một cô thấy cứ nhìn mình bèn rời ban nhạc, xuống mời cô một bản. Lúc đó ban nhạc đang chơi một bản boston, câu trả lời của nàng khiến tôi sửng sốt: “Điệu boston em cũng thích… nhưng ban nhạc đang chơi bài Ngăn Cách nên cho phép em… từ chối nhé!”. Quả thật đó là một lời từ chối khéo léo khiến tôi phải “tâm phục, khẩu phục”. Tôi không gặp lại nàng lần thứ hai… nhưng lúc nào cũng nhớ lời thống thiết trong bài Ngăn Cách của nhạc sĩ Y Vân: “… Không, trăm không ngàn lần/ Không ai giận hờn nếu đã hay rằng/ Lòng người như chiếc lá/ Nằm trong cơn gió vô tình…”
Chiều tối “tứ quái” chúng tôi thường ra ngồi Café Tùng để nghe nhạc, nhất là ngày Thứ Năm, chú Tùng thường để nhạc Pháp của Françoise Hardy, “Tous Les Garcons Et Les Filles”, với những lời ca trầm buồn, thổn thức: “Tous les garçons et les filles de mon âgeSe promènent dans la rue deux par deuxTous les garçons et les filles de mon âgeSavent bien ce que c’est d’être heureux… “Oui mais moi, je vais seuleDans les rues, l’âme en peineOui mais moi, je vais seuleCar personne, ne m’aime.”Tôi chưa đến nỗi “đi một mình” như lời ca của Françoise Hardy vì năm học Đệ nhất nơi xứ lạnh, tôi có quen một nữ sinh Bùi Thị Xuân, nàng có cái tên Tuyết Lan với mái tóc dài và cặp má hồng tự nhiên, không son phấn. Chúng tôi đã có lần đến Vallée D’amour, trên Thung lũng Tình yêu này tôi đã ngắt một cánh hoa dại tặng nàng! Bảo đó là “tình yêu” thì chưa đúng nghĩa, phải nói là “tình bạn” thì chính xác hơn. Nhà Tuyết Lan cũng ở trên đường Võ Tánh, khúc gần hồ Xuân Hương. Một lần đến nhà tôi mới biết anh của nàng tên Lập mà sau này hát với Lê Uyên thành đôi danh ca Lê Uyên Phương nổi tiếng một thời trên sân khấu Sài Gòn.
Nhạc sĩ, ca sĩ Từ Công Phụng thuở học trò!
“Tứ quái” chúng tôi tan hàng sau một năm học tại trường Trần Hưng Đạo. Có điều đặc biệt, cả ba người bạn sau này đều gia nhập Không quân. Người khoác áo nhà bịnh sớm nhất là Vĩnh Anh, sau khi học bay tại Hoa Kỳ, anh về nước lái Skyraider ở Biên Hòa. Tiếp đến là Nguyễn Mạnh Dũng, lái A-37 và cuối cùng là Trần Hen lái trực thăng.Khi là Giảng viên Anh ngữ trường Sinh ngữ Quân đội, tôi vẫn thỉnh thoảng gặp lại 2 phi công Skyraider và A-37 tại Sài Gòn, còn Trần Hen thì “biệt tích” sau khi bước vào quân ngũ. Điều đáng tiếc là Nguyễn Mạnh Dũng đã từ giã cõi đời trong phi vụ A-37 cuối cùng ngày 30/4/1975. Vĩnh Anh sau một thời gian định cư tại Mỹ cũng đã ra đi vì bệnh tật, riêng Trần Hen cho đến bây giờ vẫn “biệt vô âm tín”.
Viết lại chuyện “tứ quái” đại náo xứ Hoa Anh Đào để nhớ lại những ngày xưa khoác áo học sinh hồn nhiên sống trên gác trọ xa nhà. Đà Lạt vẫn luôn đọng lại trong hồi ức của tôi những kỷ niệm của tuổi học trò!
Nguyễn Ngọc Chính
[Đăng lại từ Facebook Nguyen Chinh]